AMD RX 7700 XT – Đánh Giá Gaming Gear
AMD RX 7700 XT – Trong một vài thế hệ card đồ hoạ trở lại đây, AMD đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với nVidia trong lĩnh vực card đồ hoạ trong tất cả các phân khúc, thế nên thường thì “đội xanh” ra mắt mẫu card đồ hoạ trong phân khúc nào thì “đội đỏ” sẽ có ngay màn đáp trả với chất lượng và giá tiền không thể nào tốt hơn.
Gần đây nhất, để đáp lại màn ra mắt không mấy thành công (nếu không muốn nói là gặp nhiều trắc trở) của ứng cử viên GeForce RTX 4060 Ti 16G, AMD đã công bố loạt sản phẩm card đồ hoạ trong phân khúc tầm trung và trung – cao cấp của mình với hai phiên bản AMD RX 7800 XT và AMD RX 7700 XT.
ASRock có thể xem như một trong những hãng đầu tiên sớm đưa hai dòng card đồ hoạ này về thị trường Việt Nam.
Với sự hỗ trợ từ AMD Việt Nam cùng ASRock, Vietgame.asia đã có cơ hội được thử nghiệm phiên bản ASRock RX 7700 XT Challenger, phiên bản được thiết kế dành cho người dùng có nhu cầu cơ bản.
Mẫu card đồ họa này liệu có đủ sức mạnh chinh phục phân khúc tầm trung?
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
AMD RX 7700 XT – “TRIỆU PHÚ” VRAM!
Là một mẫu card đồ hoạ tầm trung, phiên bản Challenger của AMD RX 7700 XT có thiết kế vô cùng quy củ với kích thước chiếm 2.5 lần kích thước khe PCIe tiêu chuẩn, trang bị hai quạt tản nhiệt cùng các ống dẫn nhiệt bằng đồng không mạ nikel như nhiều mẫu card đồ hoạ khác trên thị trường hiện nay.
Mặt sau card vẫn được trang bị giáp lưng dày dặn dù bộ tản nhiệt trang bị cho card không quá dày và nặng như những mẫu card đồ hoạ cao cấp hơn, vốn có thể gây cong, gãy bảng mạch.
Kích thước tổng thể của card không lớn, phù hợp với cả những thùng máy vừa và nhỏ, nhất là các game thủ cần một giải pháp nâng cấp sức mạnh đồ hoạ của mình trên các dàn máy hiện có.
Đó là chưa kể đến AMD vẫn giữ cổng cấp nguồn với hai đầu 8pin truyền thống thay vì nâng cấp lên chuẩn 12VHPWR như các card đồ hoạ của đội xanh, giúp người dùng không phải quá “lăn tăn” về bộ nguồn của mình.
Mặc dù có phần theo quy củ, thế nhưng khả năng tản nhiệt của mẫu card đồ hoạ này vẫn vô cùng hiệu quả.
Thử nghiệm với phần mềm FurMark, nhiệt độ cao nhất của card khi hoạt động chỉ ở mức 66 độ C mà thôi.
Cấu hình thử nghiệm:
- CPU: AMD Ryzen 7 7700x
- Mainboard: MSI MEG X670E ACE
- Memory: Lexar ARES RGB DDR5 6000MHz
- Cooler: Corsair H100i Elite
Lắp card vào hệ thống, trình truy xuất thông tin GPU-Z cho thấy AMD RX 7700 XT sử dụng nhân xử lý có mã Navi 32, được sản xuất trên tiến trình 5nm của TSMC chạy trên giao thức PCIe 4.0 16x đầy đủ thay vì chỉ sử dụng băng thông của 8 làn PCIe như trên phiên bản AMD RX 7600 XT ra mắt cách đây không lâu.
Đáng chú ý là mẫu card đồ hoạ này được trang bị đến 12GB GDDR6 với độ rộng bus 192bit, ấn tượng hơn khá nhiều so với đối thủ GeForce RTX 4060 Ti chỉ được trang bị 8GB GDDR6 với độ rộng bus 128bit ở phiên bản tiêu chuẩn.
Dung lượng VRAM lớn cùng với độ rộng bus cao cho phép AMD RX 7700 XT xử lý các tựa game ở độ phân giải 1440p trở lên dễ dàng hơn, điều này cũng phù hợp với việc các màn hình QHD đang dần trở thành xu hướng trong phân khúc tầm trung hiện nay.
Thử nghiệm với phép thử 3DMark, dễ dàng thấy được sức mạnh của AMD RX 7700 XT đã gần đạt đến ngưỡng phiên bản cao cấp AMD RX 6800 XT của thế hệ trước đó
Thật vậy, dù ở phép thử dựng hình 3DMark Fire Strike mẫu card đồ hoạ tầm trung thế hệ mới của AMD chỉ đạt 42,730 điểm, thua sút khoảng 17.4% so với mức 50,147 điểm của đàn anh thế hệ trước, thế nhưng với phép thử dựng hình 3DMark Time Spy, khoảng cách này được rút gọn chỉ còn 4.7% với số điểm lần lượt là 17,072 và 17,877.
Đáng chú ý hơn, ở phép thử dựng hình bằng công nghệ Ray Tracing 3DMark Port Royal, mẫu card đời mới còn nhỉnh hơn đôi chút khi đạt mức 8,996 điểm so với chỉ 8,871 điểm trên AMD RX 6800 XT.
Khi thử nghiệm thực tế với các tựa game nặng hàng đầu trên thị trường hiện nay, có thể thấy AMD RX 7700 XT hoạt động rất tốt với mẫu CPU AMD Ryzen 7 7700x ở độ phân giải 1080p và mức thiết lập đặt ở cao nhất, bao gồm cả các công cụ dựng hình mạnh như Ray Tracing mà không gặp phải hiện tượng nghẽn cổ chai nào.
Nếu so sánh với thế hệ card đồ hoạ AMD RX 6750 XT trước đó sở hữu cùng dung lượng VRAM và độ rộng bus, mẫu card đồ hoạ thế hệ mới của AMD đạt được nâng cấp về sức mạnh không hề nhỏ.
Trong đó, đáng kể nhất phải đề cập đến các tựa game dựng hình bằng công nghệ Ray Tracing như DIRT 5, God Fall hay Far Cry 6 đều nhận được mức tăng tốc ấn tượng nhất khi thử nghiệm với thiết lập này.
Mức tăng tổng hợp của cả sức mạnh xử lý thuần (raw power) và tăng tốc xử lý Ray Tracing có thể lên tới 50%.
Với gần như tất cả các thử nghiệm đều đạt tốc độ khung hình trên 100fps, bạn hoàn toàn có thể yên tâm “chiến” tất cả các tựa game hạng nặng hiện nay với AMD RX 7700 XT mà không phải quá băn khoăn về sức mạnh của card đồ hoạ.
AMD RX 7700 XT – HYPR-RX, FSR!
Ngoài việc tung ra hai dòng card đồ hoạ tầm trung và trung cao cấp ra thị trường, AMD còn giới thiệu một công nghệ hoàn toàn mới với tên gọi HYPR-RX tích hợp công nghệ nâng độ phân giải FSR 3.0.
Công nghệ FSR 3.0 đem đến một cải thiện to lớn so với phiên bản trước đó là sử dụng sức mạnh phần cứng đồ hoạ để có thể tạo sinh thêm các khung hình chen giữa, giúp làm mượt chuyển động và tăng tốc xử lý cho game bên cạnh việc nâng tỷ lệ từ các khung hình được dựng với độ phân giải thấp như trong các phiên bản trước đó.
Tính năng này có phần tương tự DLSS 3 của “đội xanh” từng xuất hiện trong Marvel’s Spider-Man: Miles Morales PC ra mắt cách đây không lâu.
“Đại diện” đầu tiên sắp được sở hữu tính năng tiên tiến này có thể kể đến tựa game Starfield lừng danh do Bethesda Softwork phát triển với màn ra mắt lớn chưa từng có trong lịch sử hoạt động của studio này.
Phải nói rằng đây là một tựa game khá nặng, khiến AMD RX 7700 XT cũng phải vất vả đôi chút ở độ phân giải 1080p chỉ đạt tốc độ khung hình trung bình vào khoảng 75fps mà thôi.
Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn chơi tựa game ở các độ phân giải cao hơn như 1440p hay thậm chí là 4K thì không có biện pháp nào khác ngoài sử dụng tính năng FSR với phiên bản mặc định đi kèm theo game là 2.2 và sẽ được nâng cấp lên phiên bản 3.0 trong một tương lai gần.
Tính năng tạo sinh thêm khung hình dựa vào vector chuyển động trên FSR 3.0 mặc dù giúp tăng đáng kể tốc độ khung hình, thế nhưng tính năng này cũng có một điểm trừ lớn khi làm tăng độ trễ phản hồi.
Để giải quyết vấn đề này, người dùng cần phải mở thêm tính năng Radeon Anti Lag được trang bị trên trình điều khiển Adrenalin để làm giảm độ trễ phản hồi.
Do đó, để đơn giản hoá thao tác, AMD đã tích hợp “trọn bộ” các công cụ “làm đẹp” và tăng tốc xử lý hình ảnh trong một bộ tính năng duy nhất với tên gọi HYPR-RX
Về tổng thể, với HYPR-RX và FSR, mặc dù AMD RX 7700 XT chỉ là một mẫu card đồ hoạ tầm trung nhưng vẫn hoàn toàn có thể “gánh” được Starfield ở các mức độ phân giải cao mà không gặp bất kỳ vấn đề khó khăn nào.
BẠN SẼ GHÉT
MỘT VÀI ĐIỂM TRỪ NHỎ!
Sở hữu sức mạnh “bá đạo” trong phân khúc tầm trung, thế nhưng AMD RX 7700 XT vẫn gặp phải một số điểm trừ nhỏ.
Có thể thấy mức giá 449USD của mẫu card đồ hoạ này là khá hợp lý khi được đặt giữa hai phiên bản 8GB và 16GB của GeForce RTX 4060 Ti, thế nhưng mức giá này lại quá sát với mức 499USD của “đàn anh” AMD RX 7800 XT cùng ra mắt lần này.
Đó là chưa kể đến việc nVidia đã giảm giá phiên bản GeForce RTX 4060 Ti 16GB xuống ngang bằng đối thủ từ “đội đỏ”, khiến cho mẫu card mới ra mắt này gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cả đồng đội lẫn đối thủ.
Về một mặt nào đó, việc không sở hữu các nhân xử lý Ray Tracing riêng cũng khiến AMD RX 7700 XT gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm của “đội xanh” khi chơi các tựa game này.
Do vậy, các game thủ ưa thích sử dụng các thiết lập và hiệu ứng hàng đầu cũng cần phải cân nhắc thêm trước khi quyết định “xuống tiền”
Cuối cùng, mức tiêu thụ điện năng của card vẫn khá cao nếu so sánh với đối thủ nếu như bạn để ý nhiều đến thông số này.
AMD RX 7700 XT là một sự nâng cấp thế hệ (gen-on-gen) ổn thoả từ AMD, với sức mạnh ấn tượng đủ sức “chiến” mọi game ở độ phân giải 1080p và tốc độ khung hình cao.