Total War: Warhammer III – Đánh Giá Game
Total War: Warhammer III – Phải nói rằng trong một vài năm trở lại đây, đem thế giới đầy huyền bí và phức tạp của Warhammer trở thành dự án quan trọng nhất đối với Creative Assembly, thậm chí studio thậm chí còn cắt ngắn cả quá trình hỗ trợ cho một tựa game Total War đầy tiềm năng khác là Total War: Three Kingdoms nhằm tập trung nhân lực cho dự án lớn nhất của mình.
Mặc dù quyết định của studio cũng gây ra nhiều tranh cãi và phê phán trong cộng đồng game thủ yêu thích phần game lấy bối cảnh Trung Hoa này, thế nhưng phải nói rằng phần thứ ba của dòng game là một cột mốc vô cùng quan trọng để có thể đặt một dấu chấm tròn cho những nỗ lực của studio trong suốt nhiều năm qua nên việc tập trung nguồn nhân lực cho dự án là điều dễ hiểu.
Đó là chưa kể đến áp lực không nhỏ cho đội ngũ làm game phải tránh được tình trạng “đầu voi đuôi chuột” khi đã “tô vẽ” một thế giới Warhammer quá choáng ngợp, với đầy đủ các chủng tộc đa dạng cùng cốt truyện hùng vĩ trong suốt hai phiên bản đầu tiên.
Với những chủng tộc hoàn toàn mới cùng với các câu chuyện đầy mới mẻ, liệu Total War: Warhammer III có hoàn thành được “sứ mệnh” của mình?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
THẾ GIỚI MỚI, CHỦNG TỘC MỚI!
Khác với những phần game trước đó như Total War: Rome II hay Total War Saga: Troy lấy bối cảnh lịch sử với các phe phái tuy khác biệt nhưng lại sở hữu tính năng nhiều nét tương đồng, bối cảnh của Warhammer sở hữu nhiều lớp thế giới khác biệt với các chủng tộc đa dạng, thế nên kể từ khi phiên bản Total War: Warhammer III được công bố hồi năm 2021, các fan hâm mộ của dòng game đã mong đợi một thế giới rộng lớn, với các chủng tộc hoàn toàn mới mẻ đem lại những cảm hứng mới cho dòng game.
Phải nói rằng, về điều này, Creative Assembly đã không làm thất vọng người hâm mộ khi mang đến nhiều yếu tố hoàn toàn mới mẻ dựa trên ba chủng tộc chính và một bản đồ thuộc loại “ngoại cỡ” trong phần chơi chiến dịch Realms of Chaos, cho bạn khám phá cùng hàng tá những câu chuyện và nhiệm vụ được thiết kế vô cùng tỉ mỉ, khắc hoạ rõ nét thế giới đầy huyền hoặc của Warhammer đến với cộng đồng game thủ.
Về phe nhân loại, đội ngũ phát triển game lần đầu tiên đưa đế chế Grand Cathay lấy cảm hứng từ nền văn minh Trung Hoa với sự cai trị của “Long đế” (Dragon Emperor) và “Nguyệt hậu” (Moon Empress) cùng các long tử, long tôn lãnh đạo nhân loại chống lại giống loài Hỗn mang (Chaos) bằng các quân đoàn và phép thuật hùng mạnh.
Có lẽ đây cũng là nơi mà đội ngũ làm game tận dụng (thậm chí là “tái chế) các mô hình của Total War: Three Kingdoms cho tựa game mới của mình, và cũng là lần đầu tiên đế chế này bước chân vào thế giới game của Warhammer vốn phần nhiều tập trung vào Cựu thế giới (Old World) và Tân thế giới (New World) trong hai phiên bản trước đó.
Được đặt tại vị trí trung tâm của thế giới mới, Grand Cathay thống trị một vùng đất rộng lớn được gọi là Viễn Đông với biên giới trải dài từ Đông sang Tây, tiếp giáp với dãy núi Mourn, được bảo hộ trong bức tường thành The Great Bastion, với những tuyến đường buôn bán tơ lụa xuyên biên giới với các chủng tộc phương Tây như High Elves, từ đó, định hình nên những đặc trưng của phe này cả trên bản đồ chiến lược (Strategic Map) lẫn bản đồ chiến trận (Battle Map).
Xung quanh Grand Cathay là một vài chủng tộc khác, bao gồm Frozen Kislev được lấy cảm hứng từ nước Nga, chủng loại Daemon với các chủng tộc tôn thờ các vị thần hắc ám và cuối cùng là các tộc Hỗn mang tạo nên các mối đe doạ thường trực cả bên ngoài Great Bastion lẫn trong nội bộ đế chế, với các tà giáo xen lẫn vào cuộc tranh giành quyền lực giữa các long tử…
Khác với Total War: Warhammer II với các chủng tộc tách biệt đấu tranh giành quyền kiểm soát vòng xoáy ma thuật “The Great Vortex”, thế giới trong Total War: Warhammer III có phần thống nhất và đơn điệu hơn với sự cai trị của đế chế Grand Cathay rộng lớn, thế nhưng ẩn đằng sau đó là dòng nước ngầm mãnh liệt.
Các phe phái san sát trong ván cờ đều bị kiềm chế chặt chẽ bởi các quy tắc nhất định của “cuộc chơi” chứ không đơn giản chỉ là những trận đánh, những pha công phạt thường thấy của dòng game, mà qua đó, cơ chế ngoại giao (Diplomacy) trở thành một công cụ quan trọng hơn rất nhiều so với các phiên bản trước.
Công cụ này cũng được thiết kế lại đôi chút, có phần giống với dòng game Civilization VI, với một vài công cụ đơn giản hơn và cũng mạnh hơn để tiến hành một số trao đổi thay vì phải đi mò mẫm từng thế lực
…cơ chế ngoại giao (Diplomacy) trở thành một công cụ quan trọng hơn rất nhiều so với các phiên bản trước
Mặc dù không quá phức tạp như với dòng game đại chiến lược (Grand Strategy) Crusader Kings III, thế nhưng những vấn đề bang giao giữa các phe phái, các mối quan hệ đan xen trong gia đình hoàng tộc cũng tạo thành “món ăn thêm” thú vị cho game thủ, nhất là những “fan gộc” đã quá nhàm chán với mô tuýp bành trướng – chinh phục xuyên suốt dòng game lấy bối cảnh thế giới Warhammer này.
Bạn có thể sử dụng rất nhiều những chiêu trò khác nhau, từ gạ gẫm, dụ dỗ, mua chuộc, đến gây nổi loạn để có thể chiếm được một vùng đất mà không cần bất kỳ một trận chiến nào. Điều này không quá mới mẻ với các tựa game Total War nói chung, nhưng đã được nâng tầm quan trọng lên rất nhiều so với chính hai phiên bản trước đó của dòng game.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong Total War: Warhammer III, người chơi cũng có thể lần đầu tiên điều khiển phe Hỗn mang, “phản diện” chính của thế giới Warhammer, sinh sống ở một chiều không gian hoàn toàn khác biệt do bốn vĩ thần Hỗn mang mở ra và chỉ thông với thế giới bên ngoài sau một số lượt chơi nhất định, từ đó, người chơi có thể gieo rắc sự hỗn loạn và mục nát từ ngay trong lòng của đối thủ thông qua thành lập và truyền bá tà giáo.
Kiểu lồng ghép thế giới trong thế giới này gần như ngay lập tức mở rộng gấp rưỡi bản đồ trò chơi, vốn đã vô cùng to lớn, cũng như đem đến một phương thức sinh tồn và chiến đấu hoàn toàn khác biệt so với các chủng tộc truyền thống, từ đó tạo ra sự mới mẻ và hứng thú cho người chơi.
Việc phân tách hai phần bản đồ khác nhau cũng khiến cho người chơi dễ dàng đặt ra các mục tiêu chinh phục chủ đạo về dài hạn thông qua việc xây dựng các đạo quân và cung cấp hậu cần viễn chinh, thay vì chỉ mở rộng lãnh thổ theo một cách bạ đâu làm đấy hình thành từ thời phiên bản Total War: Warhammer đầu tiên được ra mắt.
Cuối cùng, dĩ nhiên là cũng giống như những gì mà Creative Assembly đã hứa hẹn từ phiên bản đầu tiên, bạn vẫn có thể chơi chiến dịch ở cấp độ đại thế giới, trong đó, các chủng tộc, phe phái xuất hiện san sát, đem đến một “trải nghiệm Warhammer” chân thực và toàn vẹn nhất từ trước tới nay trong thế giới game.
Nhìn chung, phần chơi đơn cho thấy đội ngũ phát triển game đã có những nỗ lực to lớn nhằm đem đến những yếu tố mới mẻ nhất cho Total War: Warhammer III với tư cách là phiên bản cuối cùng của “tam bộ khúc” về thế giới Warhammer, đủ sức thoả mãn sự mong đợi của phần đông các game thủ yêu thích dòng game này.
BẠN SẼ GHÉT
THIẾU MỘT CHÚT…WOW!
Về mặt lý tính đánh giá, Total War: Warhammer III đã có một màn trình diễn “tròn vai”, thế nhưng người viết với tư cách là một fan kỳ cựu đã gắn bó hơn 20 năm với các tựa game Total War thì phần thứ ba của dòng game vẫn tuần tự theo quy củ, không đem đến những đột phá ấn tượng đủ để khiến người chơi ngạc nhiên.
Trước tiên, mặc dù sở hữu bản đồ mới, cốt truyện mới, thậm chí là những chủng tộc ít được quan tâm trong thế giới của Warhammer, thế nhưng nếu bóc tách lớp hình thức bên ngoài này thì những gì mà phần ba của dòng game cũng chỉ đơn giản là mở rộng không gian thế giới Warhammer theo một chiều hướng khác, nếu không muốn nói là không đem đến những thay đổi mang tầm vĩ mô.
Có thể với những fan của thế giới Warhammer hay những người mới tập tành làm quen với các tựa game Total War sẽ không cảm thấy vấn đề này quá rõ ràng, thế nhưng với các fan cứng đã “cày đi cày lại” hai phiên bản trước đó suốt từ năm 2016 đến nay với đủ các loại nội dung tải về (DLC – Downloadable Content) thì gần như phần ba của dòng game chỉ là một phiên bản “bình mới rượu cũ” mà thôi.
Bên cạnh đó, nền tảng đồ hoạ và engine game cũng không được nâng cấp đúng mực tương xứng với chiều dài ngần ấy năm phát triển.
Game cũng chẳng hề được tích hợp bất kỳ công nghệ đồ hoạ tiên tiến thời thượng nào ra mắt trong một vài năm trở lại đây như Ray Tracing hay FSR để tăng cường trải nghiệm cho người chơi.
Thậm chí cơ chế vật lý chiến trận vẫn giữ nguyên như các phiên bản đầu tiên, có phần hơi buồn cười với những mô hình binh lính như… những con búp bê có thể bay xa hàng chục mét khi nhận trùng kích, nhưng ngay lập tức vẫn có thể bật dậy, lao như bay vào kẻ thù như chưa từng gặp bất kỳ tổn thương nào.
Tất cả những điều này làm cho riêng Total War: Warhammer III không thật sự ấn tượng như những gì mà người viết từng mong đợi.
Ngoài ra, cũng như truyền thống của hai phiên bản trước đây, sau khi ra mắt phần chơi chính, Creative Assembly lại tiếp tục cho ra mắt các bản nâng cấp và bản nội dung tải về với các phe phái và chủng tộc hoàn toàn mới để có thể mở rộng doanh thu của mình.
Tuy vậy, điều này cũng làm trải nghiệm game trở nên vụn vỡ hơn là đem đến cho người chơi một trải nghiệm trọn vẹn từ đầu đến cuối mà không cần bất kỳ DLC nào.
Total War: Warhammer III không thật sự ấn tượng như những gì mà người viết từng mong đợi
Màn thể hiện của Total War: Warhammer III khá “tròn vai” khi đem đến một bản đồ mới với các chủng tộc mới bổ sung phong phú cho thế giới của Warhammer. Thế nhưng tựa game vẫn chưa thực sự đột phá đủ để tạo nên sự hứng thú cho các fan gạo cội của dòng game, cả về nội dung lẫn chất lượng đồ hoạ.